Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong tháng 9 sẽ trình Bộ Chính trị để xem xét, cho ý kiến đồng thời sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án trong kỳ họp tháng 10, làm cơ sở thu xếp nguồn vốn vào năm 2025 (khoảng 70 tỷ USD) và sớm khởi công xây dựng dư án.
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, dự kiến đầu tư với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h. Điểm đầu dự án từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Công trình quan trọng này sẽ được xây dựng mới hoàn toàn gồm 60% là cầu, 10% là hầm, còn lại 30% chạy trên nền đất. Toàn tuyến có 23 ga khách, 5 khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng, 40 cơ sở bảo trì hạ tầng, 5 ga hàng, 4 đề pô, 28 km tuyến nối ga để khai thác chạy tàu hàng khi nhu cầu hàng hóa vượt quá năng lực khai thác.
Dự án cần mua sắm 74 đoàn tàu động lực phân tán với 1.184 toa xe, năng lực chạy tàu đáp ứng 175 đôi tàu/ngày đêm (đường sắt tốc độ cao 150 đôi tàu, đường sắt hiện hữu 25 đôi tàu), năng lực vận chuyển khoảng 133,5 triệu hành khách và 20 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Bộ GTVT dự kiến khởi công dự án đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào khoảng cuối năm 2027. Thi công đoạn Vinh - Nha Trang dài 899 km trước năm 2030 và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Nghiên cứu từ một số quốc gia có mạng lưới đường sắt tốc độ cao phát triển cho thấy, Nhật Bản đã quyết định đầu tư tuyến đường sắt đầu tiên năm 1950 khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người mới đạt khoảng 250 USD. Trung Quốc đầu tư vào năm 2005 khi GDP đầu người đạt 1.753 USD. Indonesia đầu tư năm 2015 khi GDP đầu người khoảng 3.322 USD…Trung Quốc sở hữu chiều dài đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, với 5 tuyến tốc độ 350 km/h.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.282 USD và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030.
Theo đánh giá của Bộ GTVT và Bộ Tài chính, nếu sử dụng nguồn vốn đầu tư công để đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Việt Nam sẽ không vượt quá trần nợ công. Khi xây dựng tuyến đường này, nợ công có thể tăng từ 38% lên xấp xỉ 50%, nhưng vẫn đảm bảo trong khả năng cho phép.
Bình luận